Chương trình “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa” đã được Chính phủ khởi động từ năm 2010, tại tỉnh Lâm Đồng đã triển khai thực hiện qua 02 giai đoạn 2012-2015 và 2016-2020, đến nay đã tổng kết kết quả thực hiện và triển khai kế hoạch thực hiện giai đoạn tiếp theo 2021-2025, cụ thể:
Kết quả thực hiện giai đoạn 2012-2020:
1. Tổ chức: 39 hội nghị, hội thảo, tọa đàm, phóng sự, bản tin; 72 lớp lớp đào tạo, tập huấn cho 4100 người về ISO 9001, ISO 17025, ISO 22000, FSSC 22000, ISO 45000, ISO 50001, GACP, GlobalGAP, tiêu chuẩn hữu cơ, truy xuất nguồn gốc, Lean, 5S, Lean Six Sigma, quản lý theo mục tiêu MBO, sử dụng hiệu quả chu trình PDCA, quản lý chi phí dòng nhiên liệu MFCA, KPIs, 7 công cụ quản lý chất lượng và các kỹ năng lập kế hoạch và quản lý thời gian, làm việc nhóm, huấn luyện kèm cặp và tạo động lực cho nhân viên, kinh doanh tiếp thị theo định hướng kỹ thuật số; tiêu chuẩn hóa tại doanh nghiệp. Đào tạo cho 133 lượt cán bộ công chức, viên chức của các Sở ngành nhằm xây dựng đội ngũ chuyên gia năng suất chất lượng cho tỉnh.
2. Hoạt động tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đánh giá sự phù hợp: Tham gia xây dựng và ban hành 01 quy chuẩn kỹ thuật địa phương; hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng và áp dụng 308 tiêu chuẩn cơ sở; hỗ trợ chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy cho 80 sản phẩm của 43 đơn vị.
3. Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và áp dụng được 124 dự án về hệ thống và công cụ: ISO 9001, ISO 22000, FSSC 22000, ISO 14000, UTZ, tiêu chuẩn hữu cơ, GlobalGAP, công cụ cải tiến NSCL 5S, kaizen, KPIs, MFCA.
4. Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia và đạt Giải thưởng chất lượng Quốc gia, quốc tế, gồm: 02 doanh nghiệp đạt giải vàng và 06 doanh nghiệp đạt giải bạc, 01 doanh nghiệp đạt giải thưởng chất lượng Châu Á – Thái Bình Dương.
5. Tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ chương trình NSCL từ năm 2012 đến 2020 là 11.749.000.000 đồng từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học công nghệ.
Tuy vậy, việc thực hiện Chương trình vẫn còn có một số tồn tại và hạn chế nhất định, cụ thể là:
- Việc tham gia dự án vẫn còn tập trung vào một số doanh nghiệp, chưa lan rộng đến các doanh nghiệp trong toàn tỉnh.
- Đa số các doanh nghiệp của tỉnh có quy mô vừa và nhỏ, nguồn lực hạn chế, trang thiết bị sản xuất cũ, yếu kém về trình độ quản lý sản xuất nên chưa tin tưởng áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng.
- Lực lượng lao động chưa qua đào tạo một cách có hệ thống trước đưa khi vào làm việc. Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề nghiệp chưa cao, thiếu lao động chất xám về chất lượng và số lượng, tác phong và kỷ luật lao động công nghiệp chưa cao.
- Mức tiền hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia dự án nâng cao năng suất và chất lượng còn thấp, trong khi doanh nghiệp phải đối ứng thêm kinh phí để triển khai và xây dựng lại nhà xưởng cho phù hợp theo yêu cầu của tiêu chuẩn, nhưng kinh phí đối ứng của các doanh nghiệp còn hạn chế.
Để tiếp tục triển khai tốt chương trình giai đoạn 2021-2025, thì cần khắc phục những hạn chế, như:
- Nâng cao công tác tuyên truyền, vận động, đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ thực hiện và các doanh nghiệp về dự án nâng cao năng suất chất lượng, xây dựng các mô hình điểm, tạo phong trào lan tỏa trong hoạt động sản xuất kinh doanh theo tiêu chuẩn khu vực, quốc tế.
- Vận động doanh nghiệp tham gia dự án bằng nhiều hình thức trong đó tổ chức khảo sát thực tế tại doanh nghiệp để nắm tình hình cũng như thực trạng năng suất của doanh nghiệp từ đó có những đề xuất áp dụng các hệ thống, công cụ nâng cao năng suất chất lượng, các công cụ cải tiến phù hợp với doanh nghiệp hơn.
- Đơn giản hóa các thủ tục hỗ trợ doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo theo các quy định hiện hành.
- Cần đào tạo các chuyên gia có đủ trình độ quản lý dự án cũng như có đủ khả năng tư vấn, tham mưu và triển khai các dự án năng suất và chất lượng.
- Cần phối hợp, lồng ghép các nhiệm vụ thuộc dự án năng suất và chất lượng với các chương trình, dự án khác đang triển khai thực hiện tại địa phương.
Từ những bất cập, hạn chế, tồn tại nêu trên, trong kế hoạch triển khai chương trình năng suất và chất lượng giai đoạn 2021-2025 đã có những thay đổi phù hợp hơn để giúp doanh nghiệp để tiếp cận:
Ngày 14/04/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng đã hành Kế hoạch số 2284/QĐ-UBND về thực hiện Chương trình Quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, cho các đối tượng: Doanh nghiệp, hợp tác xã, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa chủ lực trên địa bàn tỉnh, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp vừa và nhỏ; với tổng kinh phí thực hiện 17.825 triệu đồng.
Mục tiêu đề ra là:
- Thực hiện 10 phóng sự về Chương trình và các mô hình điểm, các bài thông tin tuyên truyền về nội dung, kết quả của Chương trình trên các phương tiện thông tin truyền thông.
- Tổ chức 25 lớp tập huấn, 03 hội nghị về năng suất chất lượng cho các doanh nghiệp, cán bộ, công chức tại các địa phương, sở, ngành.
- Hỗ trợ 10 mô hình nâng cao năng suất tổng thể, gồm: Áp dụng 01 hệ thống quản lý, 01 công cụ nâng cao năng suất, 01 hệ thống truy xuất nguồn gốc, xây dựng 01 tiêu chuẩn cơ sở.
- 45 lượt doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, khu vực; ISO, USDA, Halal, UTZ, Global Gap, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, trong đó ưu tiên các sản phẩm đã xây dựng nhãn hiệu.
- 25 lượt đơn vị áp dụng các công cụ cải tiến năng suất chất lượng: 5S, Lean, MFCA, KPIs, Layout.
- Hỗ trợ xây dựng 10 tiêu chuẩn cơ sở đối với sản phẩm, hàng hóa; chứng nhận 10 sản phẩm hợp quy và 05 sản phẩm hợp chuẩn.
- Hướng dẫn, hỗ trợ 08 doanh nghiệp đạt giải thưởng chất lượng. Trong đó có 70% doanh nghiệp được hỗ trợ các nội dung mới, 30% doanh nghiệp bô sung các nội dung hỗ trợ mới (không trùng với nội dung hỗ trợ của ngành khác).
Nội dung của chương trình hỗ trợ nâng cao năng suất chất lượng giai đoạn 2021-2025 đã gắn với các Đề án, Chương trình như: hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ doanh nghiệp về khoa học công nghệ; quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập; triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên địa bàn tỉnh, định hướng đến năm 2030…với các thủ tục hỗ trợ doanh nghiệp đơn giản hơn.
Mức hỗ trợ cho các nội dung như sau:
- Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 và áp dụng các công cụ cải tiến năng suất chất lượng như 5S, nhóm kiểm soát chất lượng (QCC), 7 công cụ thống kê, Kaizen, duy trì vệ sinh tốt (GHK), quản lý chất lượng toàn diện (TQM), sản xuất tinh gọn, 6 sigma, quản lý chi phí dòng nhiên liệu (MFCA), bố trí mặt bằng (Layout), các công cụ đo lường năng suất và tương đương: 40.000.000 đồng.
- Áp dụng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, khu vực, nước ngoài, hiệp hội như ISO 22000, FSSC 22000, HACCP, BRC, ISO 14001, OHSAS 18001, ISO 50001, ISO 56000, tiêu chuan hữu cơ, 4C, Rainforest, UTZ, Fairtrade, tiêu chuẩn Halal, truy xuất nguồn gốc và tương đương: 60.000.000 đồng.
- Sản phẩm phù hợp quy chuẩn kỹ thuật: 20.000.000 đồng/sản phẩm.
- Sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn quốc gia: 10.000.000 đồng/sản phẩm.
- Thử nghiệm mẫu và xây dựng tiêu chuẩn cơ sở: 1.000.000 đồng/sản phẩm.
- Giải thưởng chất lượng khu vực và quốc tế: 30.000.000 đồng/01 lần đạt giải.
- Giải vàng chất lượng quốc gia: 25.000.000 đồng/01 lần đạt giải.
- Giải thưởng chất lượng quốc gia: 22.000.000 đồng/01 lần đạt giải.
Để được hướng dẫn và hỗ trợ về chương trình “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2025”; các tổ chức, đơn vị có nhu cầu xin liện hệ: Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Lâm Đồng, số 18 Trần Phú, điện thoại: 0263.3532247, email: pqltccl@lamdong.gov.vn./.