Các quy định pháp luật có hiệu lực và hết hiệu lực trong quý I năm 2020 12/04/2020 In trang

CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT

CÓ HIỆU LỰC VÀ HẾT HIỆU LỰC TRONG QUÝ 1 - 2020

1. Thông Tư  08/2019/TT-BKHCN –Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm chiếu sáng bằng công nghệ Led (QCVN 19:2019/BKHCN)

Ngày 25 tháng 9 năm 2019, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư 08/2019/TT-BKHCN vể Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm chiếu sáng bằng công nghệ LED (QCVN 19:2019/BKHCN). Quy chuẩn kỹ thuật này áp dụng đối với sản phẩm chiếu sáng LED sau:

Stt

Têm sản phẩm theo mã HS

Mã HS

Phạm vi điều chỉnh

1

Đèn đi-ốt phát sáng (LED)

85395000

- Bóng đèn LED có ba-lát lắp liền dùng cho chiếu sáng thông dụng làm việc ở điện áp lớn hơn 50V.

- Đèn điện LED thông dụng cố định.

- Đèn điện LED thông dụng di động.

- Bóng đèn LED hai đầu được thiết kế thay thế bóng đèn huỳnh quang ống thẳng.

2

Đèn rọi

94051091

Đèn điện LED thông dụng cố định

3

Loại khác

94052090

Đèn điện LED thông dụng di động.

 

Kể từ ngày 01/6/2020, các sản phẩm sản xuất trong nước và nhập khẩu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo QCVN 19:2019/BKHCN phải đáp ứng yêu cầu về an toàn và giới hạn nhiễu điện từ (EMI) quy định tại Mục 2 của QCVN 19:2019/BKHCN trước khi lưu thông trên thị trường.

Điều khoản chuyển tiếp: Các sản phẩm quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo QCVN 19:2019/BKHCN được sản xuất, nhập khẩu trước lộ trình áp dụng thì tiếp tục được lưu thông trên thị trường đến hết ngày 01/6/2022.

Khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm chiếu sáng bằng công nghệ LED áp dụng các quy định của QCVN 19:2019/BKHCN kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực từ ngày 31/12/2019.

2. Quyết định về việc “Công bố sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ”

Ngày 18 tháng 12 năm 2019, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 3810/QĐ-BKHCN về việc công bố sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Theo đó, công bố sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này, bao gồm mã HS, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng và văn bản quy phạm pháp luật quản lý, cụ thể:

- Đối với sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 sản xuất trong nước, biện pháp quản lý được quy định tại các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng;

- Đối với sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 nhập khẩu, biện pháp quản lý được áp dụng theo quy định tại Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN ngày 16 tháng 6 năm 2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 27/2012/TT-BKHCN ngày 12 tháng 12 năm 2012; Các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia: QCVN 14:2018/BKHCN, QCVN 19:2019/BKHCN, QCVN 20:2019/BKHCN.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 18/12/2019 và thay thế Quyết định số 3482/QĐ-BKHCN ngày 08/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

3. Bổ sung trách nhiệm duy trì đặc tính kỹ thuật đo lường của cơ sở sử dụng

Ngày 26 tháng 7 năm 2019, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư 07/2019/TT-BKHCN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 23/2013/TT-BKHCN ngày 26/9/2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2. Theo đó, bổ sung thêm trách nhiệm của cơ sở sử dụng phương tiện đo trong việc duy trì đặc tính kỹ thuật đo lường của phương tiện đo trong suốt quá trình sử dụng và giữa hai kỳ kiểm định (trước đó đã được quy định tại Điều 25 Thông tư 23/2013/TT-BKHCN).

Bên cạnh đó Thông tư cũng quy định, ngoài trách nhiệm tại Điều 29 Thông tư 23/2013/TT-BKHCN, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương còn có nhiệm vụ: Thanh tra, xử lý vi phạm hành chính về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2 trên địa bàn quản lý theo đúng quy định của pháp luật. Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/01/2020.

4. Bước tiến mới về quản lý đo lường, chất lượng đối với kinh doanh khí

Mới đây Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư số 20/2019/TT-BKHCN, ngày 10/12/2019 quy định về đo lường, chất lượng trong kinh doanh khí và hoạt động công bố cơ sở pha chế khí tại Việt Nam và có hiệu lực từ ngày 15/3/2020. Theo quy định tại Thông tư số 20/2019/TT-BKHCN, cách thức quản lý khí (LPG, LNG, CNG) được quản lý theo chuỗi từ sản xuất, nhập khẩu, pha chế, vận chuyển đến lưu thông trên thị trường.

Điểm mới trong nội dung của Thông tư số 20/2019/TT-BKHCN thể hiện tại Điều 14 “Công bố cơ sở pha chế khí”. Đây là nội dung quy định mới, thể hiện phương thức quản lý khác biệt so với các quy định trước đây về “đăng ký cơ sở pha chế khí”, thể hiện quản lý nhà nước theo phương thức “hậu kiểm”. Đây là phương thức quản lý thực hiện chủ trương của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính tại Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và giảm thiểu thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Theo đó, thương nhân pha chế khí lập hồ sơ theo quy định tại Thông tư, lưu giữ hồ sơ này tại thương nhân pha chế khí và chỉ gửi Bản tự công bố phù hợp điều kiện pha chế khí về cơ quan quản lý để phục vụ cho việc hậu kiểm và thương nhân chịu trách nhiệm trước pháp luật về các khai báo, công bố của mình.

Đối tượng áp dụng là thương nhân kinh doanh khí bao gồm: thương nhân sản xuất, chế biến khí; thương nhân pha chế khí; thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu khí; thương nhân kinh doanh mua bán khí; thương nhân kinh doanh dịch vụ cho thuê cảng xuất, nhập khẩu khí, bồn chứa khí, kho chứa LPG chai; thương nhân kinh doanh dịch vụ vận chuyển khí; trạm nạp, trạm cấp khí; cửa hàng bán lẻ LPG chai; và Cơ quan quản lý nhà nước về đo lường, chất lượng và cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh khí.

4. Xã hội hóa hoạt động kiểm tra chuyên ngành

Ngày 14 tháng 11 năm 2019 Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2019/NĐ-CP quy định thực hiện thủ tục hành chính theo Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) (gọi tắt là Nghị định Một cửa) tới đây khi có hiệu lực sẽ tạo cơ chế thực hiện xã hội hóa trong kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với hàng hóa XNK.

Nghị định Một cửa ra đời với mục đích tạo cơ sơ pháp lý thống nhất để cải cách toàn diện hoạt động KTCN theo hướng giảm lượng hàng hóa phải KTCN tại khâu thông quan, tạo thuận lợi cho hoạt động XNK hàng hóa, minh bạch hóa công tác KTCN thông qua việc công bố các quy chuẩn, tiêu chuẩn, phương pháp kiểm tra. Theo đó, đổi mới phương pháp KTCN theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động XNK, giảm chi phí, rút ngắn thời gian thông quan, nghiên cứu áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong KTCN; thực hiện thừa nhận lẫn nhau về kết quả kiểm tra hàng hóa hoặc giảm thiểu việc kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu từ những quốc gia, khu vực có tiêu chuẩn cao; rà soát loại bỏ quy định chồng chéo trong hoạt động KTCN; thu hẹp danh mục số lượng mặt hàng phải kiểm tra tại khâu thông quan là điều hết sức cần thiết nhằm cải cách toàn diện hoạt động KTCN trong thời gian tới.

Đặc biệt, tại Điều 21 Nghị định Một cửa quy định nguyên tắc KTCN, theo đó thống nhất KTCN do cơ quan KTCN thực hiện trên cơ sở tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, thống nhất nguyên tắc xây dựng danh mục KTCN trước thông quan.

Điểm đáng chú ý của Nghị định Một cửa còn thực hiện xã hội hóa hoạt động KTCN thông qua việc quy định cơ chế tham gia của tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định trong KTCN. Việc áp dụng cơ chế xã hội hóa, huy động lực lượng ngoài Nhà nước tham gia hoạt động KTCN sẽ giảm khối lượng công việc phải KTCN của cơ quan KTCN, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính.

Ngoài việc xã hội hóa, huy động lực lượng tư nhân tham gia hoạt động KTCN, Nghị định Một cửa cũng quy định rõ trách nhiệm của tổ chức này khi được sử dụng kết quả đánh giá phục vụ quản lý Nhà nước (Khoản 3 Điều 25), chế độ báo cáo, gửi kết quả đánh giá sự phù hợp (Khoản 5 Điều 27), tất cả các quy định này dựa trên cơ sở quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 56 Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và Khoản 6 Điều 19 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Nghị định Một cửa còn quy định rõ trách nhiệm các bên, cơ chế phối hợp của bộ, ngành trong KTCN (Điều 25, 26, 27) nhằm chuẩn hóa quy trình, thủ tục kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa XNK, trong đó phải phân định trách nhiệm của người khai hải quan, cơ quan KTCN, theo đó, việc thực hiện KTCN và chịu trách nhiệm về kết quả KTCN thuộc về cơ quan KTCN.

Nghị định cũng quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc chuyển đổi phương thức KTCN theo nguyên tắc quản lý rủi ro; ban hành Danh mục hàng hóa thuộc đối tượng KTCN; quy định cụ thể và công bố trên Cổng thông tin một cửa quốc gia về: cơ quan KTCN, tiêu chí, phạm vi chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp; danh sách tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định; trình tự, thời gian, cách thức thực hiện thủ tục KTCN; điều kiện, tiêu chí miễn kiểm tra, kiểm tra hồ sơ, kiểm tra hồ sơ kết hợp kiểm tra thực tế; danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ, danh mục các mặt hàng đã được chủ động công nhận, thừa nhận lẫn nhau theo điều ước quốc tế…

Nghị định Một cửa cũng khắc phục sự chồng chéo trong hoạt động KTCN, thống nhất đầu mối quyết định đối với trường hợp một mặt hàng phải tuân thủ nhiều lĩnh vực KTCN do nhiều bộ hoặc nhiều cơ quan trong cùng một bộ quy định. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2020.

5. Bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

Ngày 27 tháng 12 năm 2019, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 29/2019/TT-BKHCN về việc bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể bãi bỏ 10 văn bản quy phạm pháp luật sau đây:

1. Thông tư số 03/2011/TT-BKHCN ngày 20 tháng 4 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn tuyển chọn và quản lý dự án thuộc Chương trình hỗ trợ tài sản trí tuệ giai đoạn 2011-2015.

2. Thông tư số 07/2011/TT-BKHCN ngày 27 tháng 6 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn quản lý chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2011-2015.

3. Thông tư số 22/2011/TT-BKHCN ngày 22 tháng 9 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về việc quản lý chất lượng đối với dây và cáp điện bằng polyvinyl clorua có điện áp danh định đến và bằng 450/750v.

4. Thông tư số 31/2014/TT-BKHCN ngày 06 tháng 11 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định một số điều của Nghị định số 78/2014/NĐ-CP ngày 30 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng khác về khoa học và công nghệ.

5. Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN ngày 13 tháng 11 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.

6. Quyết định số 1649/2000/QĐ-BKHCNMT ngày 12 tháng 9 năm 2000 của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường về việc ban hành quy định xét duyệt, quyết định xuất cảnh, nhập cảnh đối với cán bộ, công chức, nhân viên của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

7. Quyết định số 22/2005/QĐ-BKHCN ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc ban hành “Quy chế xét tặng cờ thi đua của Bộ Khoa học và Công nghệ.

8. Quyết định số 32/2007/QĐ-BKHCN ngày 31 tháng 12 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành quy định về việc kiểm tra thiết bị X quang chẩn đoán y tế.

9. Quyết định số 09/2008/QĐ-BKHCN ngày 01 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về quản lý các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thiết mới phát sinh ở địa phương.

10. Chỉ thị số 13/2006/CT-BKHCN ngày 07 tháng 6 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc tăng cường công tác quản lý an toàn bức xạ và an ninh các nguồn phóng xạ.

Thông tư số 29/2019/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 01 tháng 4 năm 2020.

Duyệt của lãnh đạo

TP. QLTCCL

Người viết

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguyễn Tú Uyên

Hồ Quốc Thanh

 

 

Lượt xem: 509